Tâm thế của CEO thời "chiến"

Để giúp doanh nghiệp có thể sống còn trong thời kỳ khủng hoảng, CEO của các doanh nghiệp phải luôn luôn ở trong tâm thế sẵn sàng hành động, đặc biệt khi nền kinh tế thế giới đang phải gồng mình trước suy thoái và những tác động của căng thẳng địa - chính trị như hiện nay.

100 views Link gốc

Theo báo cáo Nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á 2023, vào thời điểm hiện tại, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang tập trung toàn lực vào việc tạo ra dòng tiền dương, kiểm soát chi tiêu và duy trì khả năng hoạt động ít nhất trong vòng 12 tháng tới.

Kiểm tra kỹ sản phẩm, dịch vụ của chính mình

Theo khảo sát của Glints, nhiều CEO khẳng định rằng, trong thời điểm này, lãnh đạo các doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm và đảm bảo rằng, sản phẩm của doanh nghiệp vẫn phù hợp với thị trường.

Trong khủng hoảng, hành vi của người tiêu dùng có thể sẽ có nhiều thay đổi lớn. Vì vậy doanh nghiệp cần phải tiếp cận và tương tác với khách hàng nhiều hơn để xác định xem những sản phẩm của mình có còn phù hợp với nhu cầu của thị trường hay không. Đối với một số doanh nghiệp, điều này sẽ giúp họ xác định những cơ hội và thách thức mới để có thể vượt qua những giông bão của năm 2023 một cách an toàn.

Không chỉ vậy, hiểu rõ về sản phẩm và khách hàng của chính mình có thể giúp doanh nghiệp loại bỏ những mục tiêu khiến họ phân tâm, nhằm giúp họ đạt được những giá trị cốt lõi thay vì những giá trị hình thức bên ngoài. Khi áp lực từ nhà đầu tư và áp lực tăng trưởng bằng mọi giá đã giảm bớt, giờ đây, các doanh nghiệp đã có thể tập trung nhiều hơn vào hoạt động tăng trưởng bền vững.

Theo khảo sát của Glints, trong thời điểm này, nhiều CEO đã dành thời gian để xem xét lại các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh, xác định lại đối tượng khách hàng, cũng như xem xét lại những kết nối bên trong (đồng nghiệp, cấp dưới) và bên ngoài doanh nghiệp (khách hàng, đối tác).

Nhìn sâu vào chiến dịch nhân sự

Trả lời Glints, hầu hết các CEO đều cho rằng, tuyển dụng chiến lược và quản lý nguồn lực là trọng tâm chính của họ trong năm 2023.

Ông Archie Carlson, đồng sáng lập và CEO của StickEarn nhấn mạnh: “Việc tăng năng suất lao động của 100 người lên 20% cũng tương đương như việc tuyển thêm 20 người lao động.”

Trong khi đó, ông Paul Hadjy, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Horangi và đội ngũ của mình lại thường cân nhắc giữa việc thuê ít nhân viên ở những thị trường đắt đỏ, hay nhiều nhân viên ở những thị trường ít tốn kém hơn, cũng như chiến lược tuyển dụng những nhân viên theo khu vực như thế nào sẽ phù hợp với bộ phận nào của công ty.

Trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cũng phải đề cao sự tinh gọn trong quá trình ra quyết định. Các nhà lãnh đạo cũng cần phải hết sức minh bạch trong quá trình giao tiếp với đội ngũ nhân viên.

Bà Minette Navarrete, Chủ tịch của Kickstart Ventures cho biết: “Trong khủng hoảng, có những thời điểm doanh nghiệp cần phải tái tập trung, tổ chức lại đội ngũ, đặc biệt là khi sản phẩm của doanh nghiệp đã không còn phù hợp với thị trường hoặc khi doanh nghiệp đổi mô hình kinh doanh. Trong trường hợp này, lãnh đạo doanh nghiệp cần hết sức minh bạch và trung thực khi giải thích với cấp dưới lý do tại sao lại có những thay đổi mang tính chiến lược đó.

Liên tục cập nhật tình hình doanh nghiệp với các nhà đầu tư

Các nhà đầu tư có thể giúp những nhà sáng lập startup phân tích và đánh giá kĩ lưỡng về độ khả thi và giá trị của những ý tưởng kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng, đồng thời có thể cung cấp cho họ những kiến thức hữu ích trong hoạt động kinh doanh hiện tại.

Mặc dù hoạt động huy động vốn năm nay có nhiều thách thức, khó khăn, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp không cần kết nối với các nhà đầu tư. Trả lời Glints, các nhà đầu tư cho biết họ đánh giá rất cao những doanh nghiệp vẫn thường xuyên giao tiếp và giữ liên lạc trong thời điểm khó khăn, ngay cả khi doanh nghiệp không tích cực gọi vốn vào thời điểm này.

Là nhà đầu tư, chúng tôi coi trọng việc liên lạc thường xuyên và liên tục với các nhà sáng lập. Nếu bạn ngừng liên lạc, chúng tôi sẽ cho rằng doanh nghiệp của bạn đã thất bại.
Ông William Bean Bao
Giám đốc điều hành của Orbit Startups

Các nhà đầu tư sẽ không đầu tư vào những công ty cập nhật thông tin lẻ tẻ. Vì vậy, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật báo cáo tiến độ của mình trong từng giai đoạn và duy trì hoạt động này ngay cả khi mọi thứ đang diễn ra không tốt. Với tư cách là nhà đầu tư giai đoạn đầu, chúng tôi tìm kiếm hai điều: Thứ nhất là một mô hình kinh doanh có thể lặp lại, có khả năng mở rộng và có khả năng tăng doanh thu nhanh hơn tăng chi phí. Và thứ hai là mức độ minh bạch và trung thực của lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh”.

Nâng cao tinh thần của đội ngũ

Trong thời điểm ngân sách bị cắt giảm, nhiều nhân viên bị sa thải và phúc lợi bị cắt giảm, các nhân viên khác trong doanh nghiệp có thể băn khoăn về tương lai của chính mình. Đây chính là khi lãnh đạo doanh nghiệp có thể giúp nhân viên định hướng để vượt qua khủng hoảng.

Trong thời điểm khó khăn khi tất cả mọi người đang chịu đựng và cố gắng thích nghi với sự thay đổi, CEO cần phải liên tục kiểm tra tinh thần của đội ngũ và đánh giá xem nhân viên có còn cam kết với tầm nhìn và sứ mệnh của công ty hay không? Nhân viên của doanh nghiệp có sẵn sàng đánh giá mức độ hài lòng với công ty ở thang điểm 10/10 nữa hay không? Họ có sẵn sàng giới thiệu bạn bè tham gia công ty hay không?

Có nhiều điều để nói về vai trò của CEO trong việc duy trì, nuôi dưỡng và bảo vệ “linh hồn của một startup” và giúp đội ngũ vượt qua những giai đoạn tồi tệ nhất.

Trong đó, CEO có thể tự đặt ra cho mình một số câu hỏi sau:

Thứ nhất, ngoài ESOP (cổ phiếu thưởng), nhân viên trong doanh nghiệp có cảm thấy rằng họ cũng là một trong những chủ sở hữu của công ty hay không? Họ có cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh để có thể cống hiến vượt ra ngoài phần việc của mình không?

Thứ hai, bản thân CEO thường xuyên tương tác với mọi người như thế nào? CEO của doanh nghiệp có nhận thức được sâu sắc về cách mình ghi điểm trong mắt của nhân viên hay không?

Thứ ba, doanh nghiệp nên làm gì để có thể tôn vinh những nhân viên vượt trội nhằm thể hiện các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp?

Đón đầu các xu thế vĩ mô

Mặc dù nền kinh tế đang thận trọng hơn, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải đón đầu tất cả những thay đổi vĩ mô đang diễn ra xung quanh. Khi đối mặt với một quyết định kinh doanh, CEO không chỉ có hai lựa chọn là "chiến đấu" hay "bỏ chạy" mà có thể nghiên cứu và xem xét xem liệu có bất kỳ sự thay đổi nào trong nền kinh tế vĩ mô mà trong đó doanh nghiệp có thể đưa ra lựa chọn thứ ba hay không.

Xây dựng một doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng sẽ rất khó khăn. Tuy vậy, điều quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp phải làm việc có trách nhiệm, kỷ luật và thận trọng. Chắc chắn những doanh nghiệp mang lại giá trị cho xã hội và kiên cường chống chọi với khủng hoảng sẽ trở thành những người chiến thắng.



Gỡ khó giúp nữ start-up tìm đầu ra cho sản phẩm

Kết nối, hỗ trợ quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm bằng nhiều cách là cách các cấp Hội phụ nữ, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai để cùng các nữ start-up vượt qua thời ...

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2023

Hạn ngạch nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho các thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu nhập cho ...

Sàn thương mại điện tử tích hợp ChatGPT

Động thái này của Tiki có thể giúp thu hút thêm lượt người truy cập vào website cũng như nền tảng ứng dụng, đặc biệt là khi sàn thương mại điện tử này chứng kiến kết quả kinh doanh ảm đạm ...

Các startup cần tự cứu lấy mình

Thay vì nghĩ đến các phương án vay nợ, huy động vốn trong điều kiện kinh tế xấu đi, các chuyên gia cho rằng startup cần tập trung vào dòng tiền mà khách hàng chi trả cho sản phẩm, dịch vụ.

Khởi nghiệp tinh gọn để đạt hiệu quả

Làm thế nào để khởi nghiệp an toàn, hiệu quả và thành công? Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Vũ Hòa cung cấp những thông tin hữu ích đến các chị em đang chuẩn bị ấp ủ dự án khởi nghiệp của ...

Tái cấu trúc start-up trong thời kỳ suy thoái

Với đa số start-up, tái cấu trúc là hoạt động không mấy dễ chịu, nhưng đây là hoạt động cần thiết để đối phó với tình hình bất ổn.

Vốn đầu tư mạo hiểm vào start-up giảm đến 50%

Theo Financial Times, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu đã giảm hơn 50% trong 12 tháng qua, do suy thoái kinh tế đè nặng lên việc định giá các nhóm công nghệ non trẻ.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp từ xe bánh mì

Thông qua việc đầu tư bài bản để mở tiệm và mở chuỗi, nhiều doanh nghiệp trẻ đang truyền cảm hứng kinh doanh, góp phần nâng tầm văn hóa ẩm thực bánh mì Việt Nam

Startup của Phillipines thâu tóm công ty nhân sự Việt Nam

Với việc gia nhập thị trường Việt Nam thông qua thâu tóm startup BravoHR, Advance của Philippines nhiều khả năng sẽ hâm nóng cuộc đua ứng dụng "ứng lương" với các startup như Gimo hay Nano Technologies.