Tái định vị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững

DNVN - Là nền kinh tế có độ mở lớn và trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, cơ hội đan xen thách thức, Việt Nam không thể đứng yên. Việc tái định vị doanh nghiệp (DN), đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống khung pháp lý bảo vệ quyền lợi DN là cần thiết để phát triển bền vững.

86 views Link gốc
Báo động về số doanh nghiệp "biến mất" khỏi thị trường
Tại diễn đàn "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 23/3 tại Hà Nội, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những thay đổi ghê gớm trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Cuộc xung đột vũ trang từ cuộc chiến Nga - Ukraine tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh tế.
"Ở trong nước, tình trạng DN rút khỏi thị trường hiện nay là rất đáng báo động. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 51.400 DN "biến mất" trong 2 tháng đầu năm 2023, tính ra trung bình mỗi tháng có hơn 25.000 DN rút khỏi thị trường. Trong khi đó, năm 2022, trung bình mỗi tháng có khoảng 12.000 rút khỏi thị trường.
Điều này cho thấy sự tồn tại của DN đang là thách thức rất lớn đối với các DN, cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó, sự tồn tại của DN gắn liền với sự phát triển kinh tế đất nước", ông Phạm Tấn Công đánh giá.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, tình trạng DN rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm là rất đáng báo động.
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh, cứ 10 DN thành lập thì chỉ khoảng hơn 3 DN làm ăn hiệu quả, số còn lại trong tình trạng hấp hối vì làm ăn thua lỗ, nhiều DN phải giải thể và dừng sản xuất kinh doanh.
Nêu những thách thức, hạn chế của DN dệt may, Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, rất ít DN xuất khẩu bằng thương hiệu riêng. Phần lớn DN sản xuất theo hình thức gia công nên giá trị gia tăng thấp. Thêm vào đó, DN trong ngành còn thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều DN thiếu năng lực quản lý về chuỗi cung ứng, quản trị rủi ro...
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng dự kiến và đã nhìn thấy trước là việc suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giầy... vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn. Dù có nhận thức tốt hơn về các yêu cầu, tiêu chuẩn phát triển bền vững, các DN Việt Nam vẫn nhìn nhận đây là một khó khăn không nhỏ để duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Trong khi đó, vấn đề tiếp cận vốn của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lãi suất ngân hàng hiện ở mức quá cao. Bản thân Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ lãi suất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, song khả năng tiếp cận và thủ tục còn khá rườm rà.
Ngoài ra, DN gặp không ít khó khăn về tiếp cận, đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu, xu hướng mới trong các lĩnh vực fintech, ngân hàng số.
Tạo không gian cho mô hình kinh tế mới
Theo Chủ tịch VCCI, gần đây, những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, những yếu tố mà DN có thể dựa vào ổn định, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ cũng đã sụp đổ. Điều này khiến các DN phải đặt ra câu hỏi: Vậy chúng ta phải định vị lại DN của mình như thế nào để tồn tại và phát triển?
"Phải chăng phải định vị từ tầm nhìn phát triển, vị thế của DN trong tổng thể nền kinh tế cũng như trong ngành. Kể cả vấn đề thị trường, phân khúc thị trường, định vị lại yếu tố cốt lõi của DN, định vị lại năng lực công nghệ, cung cách quản trị DN. Cơ quan quản lý cũng như các tổ chức nghiên cứu cũng phải định vị lại để hỗ trợ DN, đạt muc tiêu do Đại hội XIII đề ra. Nếu không định vị lại thì mục tiêu 1,5 triệu DN sẽ vô cùng thách thức", ông Phạm Tấn Công nêu.
Đề xuất giải pháp, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết, Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững.
Với các DN xuất khẩu, ngoài việc trang bị dây chuyền, máy móc, công nghệ cũng cần phải tìm hiểu và cập nhật thường xuyên những thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng hóa của các thị trường đối tác. Ngoài ra, DN cũng cần tìm kiếm các thị trường mới, bên cạnh các thị trường truyền thống.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, để tái định vị giúp DN phát triển bền vững - khâu đầu tiên cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.
Các DN xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 trong bối cảnh bất động sản, tín dụng khó khăn như hiện nay.
Nhấn mạnh việc thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của DN, bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng DN lớn của HSBC Việt Nam cho biết, cần xây dựng một môi trường mà trong đó Chính phủ có những hướng dẫn, định hướng cụ thể, giúp DN, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo. Qua đó, DN nắm bắt kịp thời những cơ hội mới, kịp thời cập nhật những điều chỉnh trong quy định và những thay đổi của toàn cầu đến DN địa phương.
Bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn của HSBC Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp để DN phát triển bền vững.
Bản thân các DN cần chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng DN, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến... để linh hoạt ứng dụng cho hoạt động của DN nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, dich vụ...
"Khi thế giới thay đổi, với tư cách là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động bậc nhất, có độ mở lớn và đã tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không thể đứng yên. Và chúng ta hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó. Tôi cho rằng, nếu DN tận dụng tốt những lợi thế như vậy, nhanh chóng và tăng tốc hơn nữa thì có thể tạo ra nhiều giá trị lớn trong đổi mới sáng tạo", bà Lâm Thúy Nga chia sẻ.


Xây dựng văn hoá doanh nghiệp có nhân sự đa thế hệ

Bằng cách chấp nhận sự khác biệt, tăng cường sự học hỏi giữa các thế hệ và khuyến khích kết nối hợp tác, doanh nghiệp có thể tạo ra một môi trường làm việc đa thế hệ tích cực và hiệu ...

Nỗ lực phát triển logistics tại Quảng Bình - Quảng Trị

Quảng Bình và Quảng Trị cùng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành những trung tâm logistics của khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang tập trung nguồn lực ...

Kỳ lân VNG lỗ sau thuế hơn 1.500 tỷ đồng

Không chỉ đối mặt với các chi phí vận hành doanh nghiệp tăng cao trong năm 2022, VNG còn đang chật vật với các khoản đầu tư thua lỗ từ Tiki, ZaloPay cũng như các startup trong danh mục.

Doanh nghiệp lo khó tiếp tục; Thủ tướng yêu cầu hoàn thuế VAT ngay; Bộ trưởng Xây dựng hỏa tốc gỡ PCCC

Thủ tướng yêu cầu hoàn thuế VAT ngay cho doanh nghiệp; Bộ trưởng Xây dựng hỏa tốc gỡ thủ tục PCCC; đại biểu Quốc hội sốt ruột đề xuất hàng loạt chính sách mạnh hỗ trợ doanh nghiệp; HBC, ...

Đơn hàng lao dốc, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ hoạt động cầm chừng

DNVN - Chi phí đầu vào tăng, thị trường nhập khẩu giảm mạnh, lượng tồn kho tăng cao… đang khiến cho đa phần doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá ngừ đều đang hoạt động cầm chừng, rất cần sự ...

Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân

DNVN - Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp, người dân.

Phí xếp dỡ hàng tại cảng biển Việt Nam thấp nhất thế giới, chi phí logistics lại rất cao

Phí bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển Việt Nam còn thấp hơn các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar, Singapore…

Chính sách nhân sự trong giai đoạn “tiền đắt”

Khi thị trường trở nên khó khăn và nguồn vốn đầu tư không còn dễ dãi, các start-up buộc phải điều chỉnh lại chiến lược nhân sự để tồn tại và hoạt động hiệu quả.

Tiếp đà phục hồi cho các hãng bay Việt

Kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2023 giúp các hãng hàng không Việt Nam lên kịch bản kinh doanh cho cả năm 2023 với nhiều mảng màu tươi sáng hơn.