Với địa thế có nhiều đồi núi, cùng với nhu cầu san gạt mặt bằng hạ cốt đồi để sản xuất và chăn nuôi tăng cao, do vậy, nhiều đối tượng đã mượn danh những dự án cải tạo đất để làm “tấm lá chắn”, ngang nhiên khai thác đất trái phép.
Thực trạng trên đang xảy ra tại địa bàn huyện Yên Thủy, với những dự án "núp bóng" xin hạ cốt mặt bằng làm trang trại lợn, để canh tác, để rồi được UBND tỉnh cấp phép khai thác, từ đây một số cá nhân đã ngang nhiên vận chuyển đất đi bán cho các lò gạch trên cùng địa bàn để trục lợi trái quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại khu vực đồi Trành Đẻ, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, đang diễn ra tình trạng khai thác đất với quy mô lớn, mỗi ngày có hàng chục đầu xe tải trọng lớn đến lấy đất chở đến các lò gạch để tiêu thụ. Theo ghi nhận của PV, thì khu đất này là của gia đình bà Bùi Thị Hậu, bà Hậu được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép khai thác san lấp bằng Quyết định số 03, do ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký ngày 25/01/2021, với phần diện tích khai thác là 6.663m2; mức sâu khai thác là +25,0m; tổng khối lượng san lấp là 73.395m3; thời gian khai thác là 10 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thì khu đất này đã được tổ chức khai thác trước thời điểm được cấp phép là ngày 25/01/2021, người tổ chức khai thác là ông Đặng Văn Thanh, ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Theo giấy phép được cấp, thì đất khai thác từ đồi Trành Đẻ phục vụ vào việc san lấp, nhưng trên thực tế ông Thanh đã mang đất bán cho các nhà máy gạch trên địa bàn huyện Yên Thủy và huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Theo phản ánh của người dân địa phương, việc khai thác vận chuyển đất từ khu vực đồi Trành Đẻ đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho đời sống dân cư như tiếng ồn, khói bụi và đặc biệt là tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến mòn Hồ Chí Minh. Bởi hầu hết các xe vào chở đất đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng xe, quá khổ quá tải và lưu thông với tốc độ cao.

Ngoài ra, theo ông Đinh Văn M, một chủ buôn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Việc các lò gạch trên địa bàn thu mua đất từ những mỏ đất trá hình này với mức giá thấp, dẫn đến gạch sản xuất ra có giá bán rẻ hơn thị trường, nên các đơn vị mua đất sạch sẽ khó mà cạnh tranh, đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều chủ lò gạch bị điêu đứng suốt thời gian dài vì không cạnh tranh nổi về giá". Liên hệ với ông Vũ Minh Toàn, Trưởng Phòng TNMT huyện Yên Thủy để làm rõ vụ việc, vị này cho biết: "Mỏ đất này đã được UBND tỉnh cấp phép, họ cũng đã nộp nghĩa vụ ngân sách với nhà nước, các anh muốn tìm hiểu rõ thì gặp bà Hậu để xem giấy tờ, còn việc khai thác là họ đươc phép". Như vậy, việc UBND tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện cho người dân hạ cốt nền phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh là đúng đắn, tuy nhiên, việc cấp phép nhưng thiếu sự quản lý giám sát, dẫn đến tình trạng lạm dụng và làm trái quy định để "đánh cắp" tài nguyên khoáng sản, sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội và thất thu cho nguồn ngân sách nhà nước rất lớn. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nghiêm túc chỉ đạo và quán triệt chủ trương "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế". Vì vậy, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cần nghiêm túc vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, tránh gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Kinh doanh và Biên mậu sẽ tiếp tục thông tin.
Trung Nguyên
Nguồn: https://kinhdoanhvabienmau.vn/kinh-doanh/hoa-binh-loi-dung-co-che-de-truc-loi-tu-hoat-dong-kinh-doanh-khai-thac-tai-nguyen-/144-725-7399.kdbm