Hà Nội: Nhiều lô đất công thành dự án nhà ở không qua đấu giá

Nhiều dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá, biến thành dự án nhà ở thương mại thay vì xây trụ sở, văn phòng.

431 views Link gốc

Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ nhà ở và nhà trẻ Dreamland Plaza

Trên địa bàn TP Hà Nội, hàng loạt dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá. Sau đó, các dự án nhà ở mọc lên đã khiến dân số tăng cao, gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, xã hội. Trong khi, tiền sử dụng đất thu về cho ngân sách quá bèo bọt so với giá thị trường.

Kỳ 1: Từ trụ sở văn phòng thành dự án nhà thương mại

Nhiều quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều được ban hành năm 2017, xét từ đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội, thời kỳ ông Nguyễn Trọng Đông nắm quyền (hiện nay ông Đông là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội).

Sau hàng chục năm “đắp chiếu”, đất công thành tư

Một trong số đó là dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ Dreamland Plaza, địa chỉ số 23 phố Duy Tân, nằm trên địa giới 2 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm do Công ty CP Đầu tư bất động sản Vinaland làm chủ đầu tư. Dự án có tiền thân là trụ sở Công ty CP Xây lắp Giao thông công chính (Công ty Giao thông công chính) và văn phòng cho thuê.

Theo cấp phép của Sở Xây dựng Hà Nội (lần đầu tiên vào tháng 8/2009), trụ sở này có tổng diện tích đất 4.331m2, cao 19 tầng, 2 tầng hầm, 1 tầng tum; diện tích xây dựng 1.414m2, chiều cao công trình 78,8m. Cơ sở pháp lý cấp phép là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 082607, cấp ngày 11/7/2005.

Sau hơn chục năm “đắp chiếu”, tháng 1/2017, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký quyết định chủ trương đầu tư mới số 289, chấp thuận điều chỉnh từ dự án trụ sở Công ty Giao thông công chính sang dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ (thương mại, khách sạn, căn hộ) nhà ở và nhà trẻ - Dreamland Plaza.

Dự án có 2 nhà đầu tư là Công ty Giao thông công chính và Công ty CP Đầu tư bất động sản Vinaland (đại diện liên danh).

Sau 8 tháng có quyết định chủ trương đầu tư (8/2017), ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định cho phép Công ty Giao thông công chính chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ 4.331m2 để liên danh với Công ty Vinaland để thực hiện dự án Dreamland Plaza.

Tương tự là dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building tại số 216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy do Công ty CP Veracity làm chủ đầu tư.

Tháng 1/2003, TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi 4.741m2 đất tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy (gồm đất công và đất của một số hộ dân), giao cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long thuê 45 năm để xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm.

Theo quyết định của thành phố, Sở Địa chính nhà đất Hà Nội (nay là Sở TN&MT) đã ký hợp đồng cho Công ty Hoa Phượng Thăng Long thuê, nộp tiền thuê đất hàng năm, sau đó cấp chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2004.

Sau hơn chục năm “án binh bất động”, tháng 9/2014, dự án này bắt đầu được “xé” đôi, Công ty Hoa Phượng Thăng Long chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội.

Tháng 12/2014, Hà Nội thu hồi 2.373m2 đất tại dự án này giao cho pháp nhân mới là Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội để tiếp tục thực hiện dự án như mục tiêu ban đầu. Hình thức hợp đồng là thuê đất trả tiền đất hàng năm.

Đáng chú ý, 3 năm sau (tháng 2/2017), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký quyết định cho phép Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội (trong đó có Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 là đơn vị hợp tác đầu tư) chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích 2.373m2 sang đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building.

18 tháng sau (tháng 8/2019), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký quyết định cho phép liên danh chuyển nhượng toàn bộ dự án cho một pháp nhân mới khác là Công ty CP Veracity, một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở tại Hà Nội.

Một dự án khác là tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại Phương Đông Green Park, số 1 Trần Thủ Độ, Hoàng Mai do Công ty TNHH MTV đầu tư Phương Đông làm chủ đầu tư.

Tiền thân của dự án là tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại do Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công ty TNHH MTV (100% vốn Nhà nước) làm chủ đầu tư, được TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011.

Sau 6 năm nằm “phơi sương”, tháng 8/2017, TP Hà Nội đã quyết định thu hồi toàn bộ 14.346,6m2 đất tại dự án này giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông thuê để làm trụ sở, văn phòng làm việc với lý do, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam (lúc này đã cổ phần hóa) đã góp vốn bằng toàn bộ tài sản để xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc.

Theo quyết định giao đất, diện tích đất trên là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, thời gian cho thuê đất “hàng năm”.

Bản giao đất cũng nêu rõ, trong tổng số 14.346,6m2 có 109 m2 đất nằm trong chỉ giới mở đường, 98,4m2 đất nằm trong hành lang an toàn lưới điện 35KV. Công ty sử dụng hai phần này nguyên trạng các công trình hiện có, tuyệt đối không được xây dựng mới các công trình.

Hơn 1 năm sau (tháng 10/2018), TP Hà Nội lại ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, giao Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông làm nhà đầu tư thực hiện dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại với toàn bộ diện tích trên với 936 căn chung cư, 13 căn nhà ở thấp tầng, 312 căn cho thuê ngắn hạn.

Để hiện thực hóa chủ trương trên, tháng 7/2019, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành quyết định cho phép Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông chuyển toàn bộ mục đích sử dụng đất trên sang thực hiện dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại.

Đáng nói, phần diện tích cảnh báo nguy hiểm nằm trong hành lang an toàn lưới điện 35KV đã không còn được nhắc tới.

Các chủ đầu tư nói gì?

Để làm rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án Dreamland Plaza, PV liên hệ với Công ty CP Đầu tư bất động sản Vinaland. Một cán bộ truyền thông của Vinaland tên Nguyễn Tuấn trả lời qua điện thoại: “Việc hợp tác kinh doanh giữa hai nhà đầu tư là chuyện nội bộ”.

Về phía Công ty Giao thông công chính, PV cũng đã làm việc với đại điện công ty gồm ông Phạm Trọng Lâm, Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Thế Thành, Trưởng Phòng kế hoạch đầu tư và ông Nguyễn Văn Ngỡi, nguyên Giám đốc - người trực tiếp tham gia hoàn thiện hồ sơ dự án.

Ông Ngỡi xác nhận, toàn bộ diện tích trên được TP Hà Nội cho thuê và nhớ lại, khi TP cấp phép xây dựng tòa nhà 7 tầng (khoảng năm 2002) là đất thuê 30 năm, đến khi phê duyệt xây dựng lên 19 tầng (khoảng năm 2009), thời gian cho thuê được nâng lên 50 năm, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Cũng theo ông Ngỡi, toàn bộ tiền GPMB đều do Công ty Giao thông công chính bỏ ra (lúc đó chưa cổ phần hóa, 100% vốn Nhà nước thuộc Sở Giao thông công chính).

Ông Ngỡi xác nhận, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ dự án trụ sở công ty sang nhà ở không thông qua đấu giá.

Mặc dù trên giấy tờ pháp lý, Công ty Giao thông công chính là một trong hai nhà đầu tư nhưng ông Ngỡi thừa nhận: “Tôi gần như không hề biết gì, mọi thủ tục đều do Vinaland làm, sau đó hoàn thiện họ trả quyền lợi. Công ty tôi chỉ có tài sản trên đất đã đầu tư trước đó, lúc liên danh tạm tính trị giá khoảng 5% tổng giá trị dự án. Khi dự án được triển khai xây dựng xong, chủ đầu tư trả lại 1 sàn văn phòng và 7 căn hộ, tổng giá trị chưa được 20 tỷ đồng. Hiện, không có nhu cầu sử dụng nên công ty đã bán 7 căn hộ, sàn văn phòng cho thuê”.

Đối với dự án Summit Building, PV đã tìm đến trụ sở Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216, địa chỉ đặt tại dự án 216 Trần Duy Hưng.

Tại đây, lô đất chia đôi, 1 nửa đang xây dựng dở dang, nửa còn lại vẫn là lô đất trống, tận dụng làm bãi gửi xe, không có bất kỳ thông tin nào của chủ đầu tư.

Một đại diện UBND phường Trung Hòa cung cấp cho PV số điện thoại của ông Phạm Đức Thắng, Giám đốc Công ty Hoa Phượng Thăng Long. Tuy nhiên, khi PV gọi theo số máy này, bên kia đầu dây có một phụ nữ nghe máy và cho biết “nhầm số”!?

Về việc chuyển đổi dự án Phương Đông Green Park, ông Lại Thế Xuân, Giám đốc dự án Phương Đông Green Park xác nhận, dự án trên được chuyển mục đích sang xây dựng nhà ở để bán không thông qua đấu giá sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư Phương Đông lý giải: Dự án Phương Đông Green Park được giao đất không qua đấu giá là bởi năm 2018 TP Hà Nội ban hành quyết định chủ trương đầu tư số 5724, kế thừa chứng nhận đầu tư cũ mà TP ban hành năm 2011.

Chứng nhận đầu tư cũ được ban hành dựa trên Luật Đất đai 2003 nên dự án không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi đó đến tháng 7/2019, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, TP Hà Nội mới chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất cho thuê và trả tiền hàng năm sang đất thực hiện dự án nhà ở thương mại để bán.

Ông Tuấn cũng cho rằng, việc TP Hà Nội ban hành Quyết định 5282, tháng 8/2017 thu hồi 14.346,6m2 do Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam giao cho Công ty TNHH MTV Phương Đông thuê làm trụ sở, văn phòng chỉ là quy trình kế thừa quyền thuê đất chứ không liên quan đến quy trình lập dự án.

Dự án nhà ở phải đấu giá quyền sử dụng đất

Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), theo Điều 22, Luật Nhà ở 2014, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải được lập, thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện thông qua các hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định chủ đầu tư khi dự án sẵn là đất ở theo quy định (khoản 1 và 4 Điều 23 Luật Nhà ở).

“Việc giao đất ở 3 dự án trên không qua đấu giá có gây thất thoát ngân sách hay không thì cơ quan thanh tra cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý cụ thể hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm”, luật sư Tùng nói.

 



Triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Hoàn thiện Bộ tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng 2021 - 2025 do Bộ Công Thương ban hành năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức nghiên ...

Thị trường đám mây Việt Nam đang nằm trong tay ai?

Tính theo cơ cấu về doanh thu, xét riêng các nhà cung cấp trong nước, thị trường vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Viettel, VNPT, CMC, FPT… đang nắm giữ hơn 90% thị phần dịch vụ ...

Kiểm kê carbon: Dễ nói khó làm

Kiểm kê khí thải carbon là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh một cách bài bản. Tuy nhiên, ít doanh nghiệp Việt Nam làm được điều tiên quyết này.

Lại rộ lừa đảo mua sắm trực tuyến

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên kênh bán hàng này ngày càng gia tăng, nhất là vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm

Diễn biến bất ngờ của vàng SJC lẫn vàng nhẫn

(NLĐO) – Đến lượt giá vàng trong nước biến động mạnh đối với vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại khi lao dốc mạnh vào hôm nay.

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi ngành bán lẻ

Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giải bài toán vốn được xem là "nỗi đau" của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, khi dữ liệu từ hành vi mua sắm của khách hàng rất nhiều, nhưng thực tế lại rời rạc và ...

Bức tranh khác về ngành ngân hàng qua báo cáo tỷ lệ an toàn vốn

Theo tính toán của các công ty chứng khoán, với các kế hoạch phát hành tăng vốn cổ phần, các ngân hàng có thể cải thiện tỷ lệ CAR thêm từ 1% - 3%, đồng thời cải thiện hạn mức tăng trưởng ...

Việt Nam trở lại danh sách giám sát ngoại hối của Mỹ

Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát sau khi thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu của nước này tăng vọt lên tới 4,7% GDP và thặng dư thương mại hàng hóa song phương với ...