Gỡ khó cho “tàu 67” - nhìn từ thực tiễn

“Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có dự thảo lần thứ 3 về sửa đổi Nghị định 67 và tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành và các địa phương để đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ” - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin với chúng tôi.

237 views Link gốc
Tàu câu mực khơi (mực xà) hoạt động liên tục từ 1 - 3 tháng/chuyến biển xa bờ, cần có chính sách nâng cao mức hỗ trợ tiền dầu, để họ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Hải Luận

Gần 70% chủ “tàu 67” (đóng tàu theo Nghị định 67, ngày 7-7-2014) trở thành nợ xấu, nhiều chủ tàu đã bị ngân hàng khởi kiện và đưa ra toà án xét xử thu lại tàu, do không có khả năng trả nợ vốn vay của ngân hàng. Do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành và các tỉnh tháo gỡ khó khăn để làm sao duy trì được sản lượng khai thác, đồng thời giữ vững quốc phòng - an ninh để “Mỗi ngư dân như một “cột mốc sống” trên biển” - ông Tiến bày tỏ nỗi day dứt với khó khăn của ngư dân.

Thuyền trưởng lừng danh bỏ biển đi làm thuê

Từ thông tin ông Tiến đưa ra, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới, tạo một cơ chế, chính sách hỗ trợ tương đối toàn diện cho ngư dân vươn khơi bám biển. Tôi đã gặp các chủ tàu và thuyền trưởng “tàu 67” được xem là “thiệt ăn, thiệt làm” ở các vùng biển khai thác xa nhất, như quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng)...

“Từ Tết năm 2022 đến giờ, tàu tôi đi 2 chuyến biển, bị lỗ gần 390 triệu đồng. Mặc dù tháng 4 biển êm, tôi vẫn cho tàu nằm bờ. Nếu cho tàu đi biển tiếp, sẽ bị lỗ nặng thêm” - ông Lê Văn Quyền, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chủ 3 chiếc tàu mành chụp cỡ lớn, bấm tay tính lỗ.

- Anh là thuyền trưởng tầm cỡ mà tôi rất ngưỡng mộ, có cách nào để gỡ khó cho “tàu 67” đang bị “lâm trận” không? - tôi hỏi thẳng.

- Đến bây giờ, tôi thấy rối quá, tàu đang làm mành chụp, chuyển sang nghề khác không thả thi. Vì nghề câu cá ngừ đại dương đang bị đói mấy năm nay, lưới vây to lớn như tỉnh Bình Định cũng bị lỗ liên tục. Mấy chiếc “tàu 67” ở tỉnh Khánh Hòa bị ngân hàng “xiết nợ” của ngư dân đang neo dưới sông, lúc đóng mới trị giá 12 - 15 tỷ đồng, bây giờ kêu bán 2 tỷ, chẳng có ai hỏi mua.

Năm 2017, ông Quyền có vay 18,5 tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, theo chương trình “tàu 67”, vỏ tàu composite, chiều dài 32m, công suất máy chính 1.100CV và 4 cái máy phát điện. Được xem là tàu hiện đại, ngư trường khai thác chủ yếu ở vùng biển Trường Sa và khu vực nhà giàn DK. “Hôm rồi, tàu mấy chiến hữu ở Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa... ghé vào cảng Hòn Rớ (Nha Trang) bán cá. Ngồi trò chuyện với các thuyền trưởng, đa số tàu vỏ thép đóng theo dự án “tàu 67” làm ăn thua lỗ, nợ nần. Ai cũng cố gắng cầm cự để vượt qua, nhưng cầm cự đến đâu thì chưa ai biết” - ông Quyền nói giọng chùng xuống.

Ông Quyền được xếp vào hạng làm ăn chăm chỉ, chịu khó vươn xa đánh bắt, có chuyến biển lãi khá, có chuyến hòa vốn, có chuyến lỗ. Ông đã trả cho ngân hàng trên 3 tỷ đồng, coi như hạng tốp đầu trả nợ vốn vay “tàu 67” ở tỉnh Khánh Hòa. Đến hôm nay, khả năng trả nợ tiếp rất khó.

Các chủ tàu đánh cá tham gia chương trình đóng “tàu 67” ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên tôi đã gặp, trước khi chưa đóng “tàu 67”, đa số họ đều có từ 1 - 4 chiếc tàu gỗ đánh cá xa bờ, sau nhiều năm đóng “tàu 67”, họ trở thành trắng tay. Do “tàu 67” bị thua lỗ nặng, họ bán tàu gỗ để cứu lấy “tàu 67”, số khác do lao động đi biển khan hiếm, họ bán tàu gỗ để tập trung lực lượng cho “tàu 67”. Biển đã cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, sản lượng đánh bắt sụt giảm, giá dầu và các loại vật tư cứ tăng đều. Ngân hàng khởi kiện ra tòa án xét xử thu lại tàu của họ vì nợ, nhiều thuyền trưởng lừng danh phải bỏ biển đi làm thuê tứ xứ.

Cần có biện pháp cắt giảm tàu đánh cá trong “đau đớn”

“Tàu 67” đa số đóng vỏ dài, máy lớn, chi phí cho mỗi chuyển biển từ 150 - 300 triệu đồng. Biển đói, thuyền trưởng làm đủ vốn và có lãi là vấn đề rất nan giải. “Các cơ quan chức năng phải có tính toán, sắp xếp để cân đối số lượng tàu, tổ chức lại khâu sản xuất trên biển, tái cơ cấu ngành thủy sản, để ngư dân vừa bám biển vươn khơi, vừa tự nguyện lãnh trách nhiệm thiêng liêng, tham gia gìn giữ và bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam” - ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nêu khó khăn với “tàu 67” ở các địa phương.

“Tàu 67” đang nằm bờ, xuống cấp ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Hải Luận

Để cứu lấy đội “tàu 67” và những đội tàu thật sự kiên cường bám trụ sản xuất ở vùng biển xa, hoạt động từ 1 - 3 tháng liên tục ở giữa Biển Đông, như: tàu câu mực khơi (mực xà), lưới vây khơi (có mắt lưới lớn), mành chụp, lưới cản (lưới rê), câu cá ngừ đại dương..., Bộ NN&PTNT thực hiện nghiêm về cấp hạn ngạch khai thác cho các địa phương, theo từng ngành nghề, như quy định của Luật Thủy sản. Dừng cấp phép đóng mới tất cả các loại tàu đánh cá, cả vùng khơi và vùng lộng. Đây là biện pháp cắt giảm bớt tàu đánh cá trong “đau đớn”.

Đồng thời, rà soát lại số “tàu 67” còn hoạt động, cần có chính sách để hỗ trợ bằng cách khoanh nợ, bù vào lãi suất, hỗ trợ phí mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, giống như những năm đầu thực hiện hỗ trợ cho chương trình “tàu 67”.

Có một thực tế hiện nay, có rất nhiều tàu đánh cá xa bờ không vì mục đích đi khai thác thủy sản thực sự, họ chỉ chạy tàu ra biển để nhắn tin đúng theo quy định của ngành thủy sản, cuối năm được hỗ trợ tiền dầu của Chính phủ. Do đó, cần thay đổi chính sách hỗ trợ tiền dầu đối với tàu đánh cá xa bờ, như nâng mức hỗ trợ lên 200 triệu đồng/tàu/quý (chính sách hiện hành là 100 triệu đồng/tàu/quý, công suất máy trên 1.000CV) đối với các tàu dài 25m trở lên, công suất máy từ 700CV trở lên, hoạt động liên tục từ 20 ngày/chuyến biển, cách bờ trên 200 hải lý.

Đối với những tàu ở các tỉnh Bắc miền Trung và phía Bắc hoặc ở phía Nam, hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa), bãi Tư Chính..., căn cứ vào máy giám sát hành trình và máy nhắn tin, cũng có thể hỗ trợ mức 200 triệu đồng. Với những loại tàu xa bờ dưới 25m, tầm hoạt động 10 ngày liên tục, cách bờ dưới 200 hải lý, chỉ hỗ trợ 30 triệu đồng/tàu/quý.

Với giải pháp này, chúng ta có thể giảm dần số tàu nhỏ đánh bắt vùng gần bờ, vùng lộng, đúng theo chủ trương của ngành thủy sản. Đồng thời, huy động được đội tàu lớn, lựa chọn những ngư dân kiên cường ra trấn giữ những vùng biển xa nhất.

Hải Luận



Triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Hoàn thiện Bộ tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng 2021 - 2025 do Bộ Công Thương ban hành năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức nghiên ...

Thị trường đám mây Việt Nam đang nằm trong tay ai?

Tính theo cơ cấu về doanh thu, xét riêng các nhà cung cấp trong nước, thị trường vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Viettel, VNPT, CMC, FPT… đang nắm giữ hơn 90% thị phần dịch vụ ...

Kiểm kê carbon: Dễ nói khó làm

Kiểm kê khí thải carbon là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh một cách bài bản. Tuy nhiên, ít doanh nghiệp Việt Nam làm được điều tiên quyết này.

Lại rộ lừa đảo mua sắm trực tuyến

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên kênh bán hàng này ngày càng gia tăng, nhất là vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm

Diễn biến bất ngờ của vàng SJC lẫn vàng nhẫn

(NLĐO) – Đến lượt giá vàng trong nước biến động mạnh đối với vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại khi lao dốc mạnh vào hôm nay.

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi ngành bán lẻ

Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giải bài toán vốn được xem là "nỗi đau" của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, khi dữ liệu từ hành vi mua sắm của khách hàng rất nhiều, nhưng thực tế lại rời rạc và ...

Bức tranh khác về ngành ngân hàng qua báo cáo tỷ lệ an toàn vốn

Theo tính toán của các công ty chứng khoán, với các kế hoạch phát hành tăng vốn cổ phần, các ngân hàng có thể cải thiện tỷ lệ CAR thêm từ 1% - 3%, đồng thời cải thiện hạn mức tăng trưởng ...

Việt Nam trở lại danh sách giám sát ngoại hối của Mỹ

Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát sau khi thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu của nước này tăng vọt lên tới 4,7% GDP và thặng dư thương mại hàng hóa song phương với ...