Gỡ các nút thắt để hàng hóa lưu thông

Gỡ các nút thắt để hàng hóa lưu thông

TP HCM bằng mọi cách sẽ bảo đảm đầy đủ hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

337 views Link gốc

Sau hơn 2 ngày dồn dập mua sắm, đến chiều 8-7, lượng khách đổ về các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP HCM đã bắt đầu thưa dần. Bên trong hầu hết các siêu thị, cửa hàng, rau xanh và thịt cá, trứng… đã được làm đầy, sẵn sàng phục vụ cho một đợt mua mới.

Bảo đảm không thiếu hàng

Các siêu thị, cửa hàng đều dựng bảng thông báo ngay tại lối ra vào, ghi rõ thời gian mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, kèm cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa, đề nghị khách hàng yên tâm và không tập trung đông người để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các cửa hàng Bách Hóa Xanh thì cam kết "hàng về mỗi ngày, giá cả ổn định". Theo các siêu thị, sức mua trong ngày 8-7 tương đương với ngày 29 Tết, thậm chí tiêu thụ thịt còn cao hơn nên trong một số thời điểm không tránh khỏi hết hàng, thiếu hàng cục bộ. Nhiều khách hàng không đủ kiên nhẫn chờ mua hàng ở siêu thị, cửa hàng… đã tìm mua rau xanh, thịt cá tại các chợ còn mở cửa hoặc các điểm bán hàng lề đường với giá cao gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường.

Tuy nhiên, dù lượng khách đến mua sắm tại siêu thị tăng cao, giá trị đơn hàng lớn nhưng vẫn không nhiều bằng lượng đặt hàng online. Đại diện hệ thống MM Mega Market cho biết đơn hàng online gửi về tới tấp, bất kể ngày đêm, tăng trên vài chục lần so với ngày thường. Hệ thống Saigon Co.op cũng ghi nhận lượng đặt hàng qua các nền tảng trực tuyến tăng gần chục lần. Lượng khách truy cập, đặt hàng quá đông khiến một số thời điểm bị nghẽn mạng. Cũng do đơn hàng quá nhiều, siêu thị, cửa hàng thực phẩm xử lý không xuể dẫn đến tồn đọng, có đơn 3-4 ngày chưa được giao.

Gỡ các nút thắt để hàng hóa lưu thông - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở TP HCM ngày 8-7 Ảnh: HUẾ XUÂN

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, giải thích nền tảng kỹ thuật do chuẩn bị trong thời gian quá ngắn nên có những lúc gây ra tình trạng tắc nghẽn do lượng đặt hàng quá lớn. "Bà con nên cân đối lại, không nên dồn dập đi mua hàng hoặc đặt hàng online mà cần yên tâm là nguồn hàng không thiếu, doanh nghiệp đang tổ chức bài bản lại để nguồn hàng lần lượt, tuần tự đến bà con" - ông Đức bày tỏ.

Để giải quyết phần nào tình trạng quá tải, đặc biệt đối với kênh bán hàng online, qua điện thoại, các siêu thị đã huy động cả nhân viên hành chính để tăng cường cho các điểm bán để thực hiện các khâu tiếp nhận, soạn đơn hàng. Hệ thống siêu thị Aeon tăng thêm số điện thoại tiếp nhận đơn hàng tại các siêu thị, cam kết giao hàng trong vòng 3 ngày. Hệ thống Co.opmart cũng cam kết giao hàng trong tối đa 3 ngày cho khách.

Các siêu thị cùng lúc đẩy mạnh 5-6 hình thức bán hàng, trong đó phối hợp với các bên thứ 3 như Grab, Now... để thêm kênh mua sắm cho khách. Hệ thống MM Mega Market cũng thở phào vì hơn 100 nhân viên của hệ thống này vừa hoàn thành thời hạn cách ly, sẽ trở lại làm việc. "Các nhân viên này sẽ được tăng cường cho khâu tiếp nhận hàng hóa, sắp xếp, soạn đơn hàng, tổ chức giao hàng… để đẩy nhanh tiến độ "trả nợ" đơn hàng cho khách" - đại diện MM Mega Market thông tin.

Thay đổi phương thức vận chuyển, giao nhận

Các doanh nghiệp (DN) thông tin thêm đơn hàng online tắc nghẽn trong những ngày gần đây một phần do các siêu thị, cửa hàng ưu tiên phục vụ khách mua trực tiếp. "Chúng tôi khẳng định hàng không thiếu. Do khâu vận chuyển từ nguồn về nơi tiêu thụ đang trục trặc do nhiều tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội hoặc áp dụng điều kiện ngặt nghèo đối với xe chở hàng hóa đi/về TP HCM khiến đường đi của hàng hóa bị gián đoạn" - đại diện một hệ thống siêu thị lớn cho hay. Ngay trong ngày 8-7, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản khẩn gửi các địa phương để tháo gỡ ách tắc này. "Khâu vận chuyển trơn tru, hàng về nhiều trở lại thì mọi đơn hàng sẽ được giải tỏa" - vị đại diện này khẳng định.

Về nguồn cung hàng hóa cho thị trường TP HCM trong những ngày tới, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết đã chỉ đạo các DN bình ổn tăng lượng hàng hóa cung ứng cho các hệ thống phân phối hiện đại, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, tạo điều kiện cho tiểu thương và thương nhân 3 chợ đầu mối tăng tiếp nhận hàng hóa thông qua các chành, vựa lên mức 4.500-5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày đêm, tăng gấp đôi lượng hàng trong ngày 8-7.

Theo ông Phương, kế hoạch là các DN sản xuất, kinh doanh khác tăng năng lực sản xuất, cung ứng để đáp ứng 20% - 30% thị phần; các DN tham gia bình ổn thị trường TP bảo đảm tăng nguồn hàng cung ứng lên 50% so với kế hoạch đã đăng ký, chiếm 50% - 60% thị phần cùng với lượng hàng ở kênh truyền thống tăng lên nên sắp tới, hàng hóa sẽ rất dồi dào.

Trên cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường, Sở Công Thương cũng đã triển khai cho các quận, huyện, TP Thủ Đức, các DN liên quan điều chỉnh phương thức bán hàng chợ đầu mối, tăng cường các giải pháp bán hàng lưu động. Theo đó, quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ triển khai cho các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc tiểu thương tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động phối hợp tổ chức tiếp nhận và phân phối nguồn hàng của Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh… và các DN bình ổn thị trường. Phía bán hàng sẽ cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận... để trên cơ sở đó, các đầu mối mua hàng thông tin đến người dân trong khu vực để đăng ký mua chung cũng như tổ chức giao hàng đến từng hộ gia đình. "Một số địa bàn có nhiều khu vực cách ly đã làm theo cách này, đơn hàng chốt vào chiều hôm trước và sẽ được giao trong ngày hôm sau nên luôn cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong thời gian hạn chế ra khỏi nhà" - ông Phương nói.

Đại diện Sở Công Thương thông tin thêm TP đang thí điểm lập 1 khu vực trung chuyển hàng hóa từ Tây Ninh về TP HCM tại huyện Củ Chi và sẽ nhân rộng ra các khu vực Thủ Đức, Bình Chánh để tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ trong điều kiện các tỉnh lân cận đang áp dụng chủ trương cách ly người đến từ TP HCM làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa. 

Ngành điện TP HCM khuyến khích giao dịch trực tuyến

Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9-7 để phòng chống dịch, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) tiếp tục kêu gọi khách hàng tăng cường giao dịch trực tuyến với ngành điện, không đến trực tiếp tại các phòng giao dịch.

Theo đó, khi có các yêu cầu về dịch vụ điện hoặc thông báo mất điện đột xuất, thông báo về mất an toàn điện... EVNHCMC khuyến khích khách hàng gửi yêu cầu qua website CSKH https://cskh.evnhcmc.vn/, ứng dụng EVNHCMC CSKH trên thiết bị thông minh, trang EVNHCMC trên Zalo, email: cskh@hcmpc.com.vn và tổng đài 1900 545454.

Công tác ghi chỉ số điện kế, phúc tra chỉ số điện kế được thực hiện qua hệ thống đo từ xa. Tổng công ty sẽ gửi thông báo tiền điện, thông báo nhắc nợ qua các hình thức không tiếp xúc trực tiếp như nhắn tin, điện thoại, thông báo qua ứng dụng EVNHCMC CSKH, đồng thời khuyến khích khách hàng thanh toán tiền điện đúng hạn qua hình thức chuyển khoản, trích nợ tự động, ví điện tử, website/ứng dụng EVNHCMC CSKH.

"Ưu tiên đặc biệt" cung ứng hàng cho TP HCM

Ngày 8-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký văn bản gửi UBND TP HCM và các tỉnh phía Nam về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt là nguồn cung hàng hóa cho chương trình Bình ổn thị trường đã được ký kết. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương tạo luồng "ưu tiên đặc biệt" cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu cung ứng cho TP HCM và các tỉnh phía Nam có dịch đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Phối hợp với các đơn vị vận tải chuyên nghiệp, đặc thù (như Viettel Post, VN Post...) triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, đề nghị các địa phương phối hợp với TP HCM thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế các chợ đầu mối và các điểm trung chuyển đã bị đóng để cung cấp kịp thời hàng hóa cho người dân TP HCM và các tỉnh lân cận.

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cũng lưu ý cần bố trí, triển khai các điểm bán hàng thiết yếu bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh. Đặc biệt, rà soát và khẩn trương triển khai phun khử khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch để sớm mở cửa trở lại các chợ và cơ sở bán lẻ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, bán hàng kém chất lượng.

Cùng ngày, UBND TP HCM yêu cầu UBND các quận huyện, TP Thủ Đức chủ động xây dựng phương án cụ thể, tổ chức cung ứng hàng hóa cho người dân phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương; chịu trách nhiệm về công tác cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; phối hợp cùng DN bình ổn thị trường tổ chức các điểm bán hàng lưu động, các điểm bán hàng đồng giá.

Thanh Nhân
 


Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công ...

Việt Nam xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong quý một năm 2023

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý một năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,1 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ ...

Động lực hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững

Tăng cường an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo Chương ...

Marketing sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững

Lồng ghép giới, thực hành CSV, CSR là những xu thế marketing mới, giúp doanh nghiệp vừa nâng cao thương hiệu, tiếp cận khách hàng tốt hơn, vừa khuyến khích nhân rộng những giá trị bền vững tới ...

Vì sao mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội chưa hút khách dù nhu cầu tăng cao?

DNVN - Nhu cầu mở rộng mặt bằng tại khu vực trung tâm Hà Nội đã có sự gia tăng nhưng thị trường mặt bằng bán lẻ gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt về khả năng hấp thụ khi một số ...

F88 lên tiếng sau khi công an kiểm tra hàng loạt phòng giao dịch

(NLĐO) - Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 cho biết việc kiểm tra các phòng giao dịch của F88 tại một số tỉnh thời gian qua là đợt kiểm tra hành chính định kỳ của công an địa phương.

Bài học chuyển đổi số nhìn từ câu chuyện của thành phố Huế

Bằng cách triển khai ứng dụng Hue-S, Thừa Thiên Huế đã đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số gắn chặt với từng người dân và vì lợi ích người dân.

Hạ mặt bằng lãi suất sẽ giúp nhu cầu vay vốn khởi sắc trở lại

Sau quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã nhanh chóng thay đổi biểu lãi suất.

Đề xuất áp dụng thuế suất thấp hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

DNVN - Theo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp ...