Du lịch hè bùng nổ (*): "Đau đầu" với chậm, hủy chuyến

Du lịch hè bùng nổ (*): "Đau đầu" với chậm, hủy chuyến

Tín hiệu tích cực từ đà hồi phục của du lịch trong nước hè này giúp các hãng hàng không khai thác chuyến bay với tần suất và tỉ lệ lấp đầy cao

115 views Link gốc

Du lịch hè bùng nổ nên các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Nẵng… luôn nhộn nhịp, tấp nập khách. Thậm chí, sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài gần đây còn rơi vào tình trạng quá tải cục bộ ở một số thời điểm, đến mức Cục Hàng không phải gấp rút ban hành chỉ thị, yêu cầu toàn ngành xây dựng phương án tối ưu phục vụ hành khách vào cao điểm hè...

Phục hồi mạnh mẽ

Ghi nhận tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện mỗi ngày có khoảng 115.000 lượt hành khách đi và đến, với trên 700 chuyến bay được khai thác. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 14,7 triệu lượt hành khách, trong đó hơn 13,3 triệu lượt khách nội địa, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Du lịch hè bùng nổ (*): Đau đầu với chậm, hủy chuyến - Ảnh 1.

Du lịch bùng nổ giúp các hãng hàng không phục hồi nhanh hơn, nhất là thị trường nội địa .Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), chỉ trong tháng 6 vừa qua, sân bay này đã đón 428.873 hành khách, trong đó hơn 8.400 khách quốc tế. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, tính cả 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đón 42.507 lượt khách quốc tế, tăng 122% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch cả năm. Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh, nhận định sau 2 năm ngừng đón khách quốc tế vì dịch Covid-19, nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang rất lớn. Hiện các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và nhiều đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế đều đã có kế hoạch đưa hàng chục đoàn khách đến Khánh Hòa trong thời gian tới.

Mới đây nhất, hãng hàng không thứ 3 của Hàn Quốc là Air Busan đã khai thác trở lại đường bay Incheon - Cam Ranh, sau 2 hãng khác là Air Seoul và Jeju Air. Nếu tính cả Vietjet Air, hiện thị trường Hàn Quốc đã có 4 hãng bay khai thác đường bay tới Khánh Hòa.

Về phía các hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, tổng thị trường khách nội địa của hãng khai thác tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19). Hiện nhiều chuyến bay trên các đường bay du lịch tới Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo… đã gần như kín chỗ trong tháng 7 nhưng nhu cầu vẫn không ngừng tăng lên.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bamboo Airways đã khai thác gần 20.000 chuyến bay, vận chuyển gần 3 triệu hành khách. Chỉ tính riêng hệ số lấp đầy trên mạng bay nội địa trong tháng 4 và 5 vừa qua của hãng đã đạt trên 85%; đến tháng 6, hệ số đã tăng lên khoảng 90%. Những đường bay ghi nhận tỉ lệ lấp đầy cao nhất là chặng giữa TP HCM đi Hà Nội, Côn Đảo, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Hới; Hà Nội đi Đồng Hới, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn…

"Chúng tôi đã chuẩn bị mọi nguồn lực và có kế hoạch tăng tải 15% để phục vụ hành khách trong cao điểm hè trên mạng bay nội địa, đồng thời khai trương thêm đường bay quốc tế mới" - đại diện Bamboo Airways nói.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Ban Tiếp thị truyền thông Vietravel Airlines, nhận định sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không nội địa là "đáng kinh ngạc" với mức tăng trưởng hơn 30% so với cao điểm hè năm 2019 và 203% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại Vietravel Airlines, trong tháng 6, tỉ lệ lấp đầy chuyến bay của hãng đạt trung bình 93% trên toàn mạng bay, đặc biệt là các chặng bay kết nối giữa Hà Nội và TP HCM đến các điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc và Đà Nẵng…

Mùa chậm chuyến

Tuy vậy, mặt trái của du lịch, hàng không bùng nổ đó là tình trạng chậm, hủy chuyến tăng từng ngày. Nhiều hành khách ví von mùa hè cũng là "mùa chậm chuyến" bởi tần suất xảy ra như cơm bữa.

Vài ngày trước, chị Hoàng Thanh (ngụ TP HCM) có chuyến công tác từ Nghệ An trở về TP HCM. Chuyến bay của chị có lịch khởi hành 21 giờ 40 phút, sau đó dời lên 22 giờ 30 phút vì lý do máy bay đến muộn. "Tại sân bay Vinh thời điểm đó, không chỉ chuyến bay của tôi mà 3 chuyến bay của 2 hãng hàng không khác cũng chậm từ 1 đến 3 giờ, cùng lý do máy bay đến muộn vì thời tiết xấu. Cả 3 hãng cùng chậm chuyến, không ít hành khách chờ bay từ 19 giờ tới 23 giờ chưa khởi hành, hãng chỉ hỗ trợ nước uống" - chị Thanh kể.

Nhiều hành khách cũng phản ánh nếu khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Nội Bài thì phải "chuẩn bị tinh thần" để chờ thêm 1-2 giờ, thay vì khởi hành đúng lịch bay ban đầu. Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhìn nhận tình trạng chậm, hủy chuyến bay là có và thường xảy ra khi thời tiết xấu, khu vực TP HCM có mưa to hoặc giông…

Giám đốc một công ty du lịch cho biết bản thân ông sau chuyến đi khảo sát du lịch về cũng bị chậm chuyến và gần 2 giờ sáng mới về tới nhà. Tình trạng chậm, hủy chuyến của hàng không cũng khiến du lịch "vạ lây", hành khách mệt mỏi.

Các hãng hàng không thừa nhận tình trạng này và đang làm mọi cách để giảm thiểu chậm, hủy chuyến. Đại diện Vietnam Airlines cho hay hãng đang thực hiện đồng bộ một số giải pháp như làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về cấp slot (lượt cất/hạ cánh) theo cặp bay; xây dựng phương án rút ngắn thời gian ground time (thời gian tính từ lúc máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo) tại các sân bay địa phương; tập trung thực hiện công tác kỹ thuật, bảo dưỡng máy bay vào ban đêm (night-check), hạn chế dừng máy bay vào ngày khai thác, trừ các trường hợp bắt buộc. Ngoài ra, hãng cũng bảo đảm đủ số máy bay dự bị tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; xếp hành trình bay của phi công, tiếp viên hạn chế phải đổi máy bay tại các sân bay địa phương; đánh giá các tình huống khai thác cụ thể, điều chỉnh lịch bay cần thiết để hạn chế tối đa chậm chuyến dây chuyền. "Chúng tôi sẽ chủ động điều chỉnh lịch tại các sân bay bị ảnh hưởng do diễn biến bất thường của thời tiết để hạn chế các chuyến bay phải bay chờ và chuyển hướng" - đại diện hãng hàng không quốc gia thông tin.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng cho biết thêm Vietravel Airlines đã bổ sung nhân lực tại các cụm cảng mà hãng khai thác để hỗ trợ hành khách tốt nhất và luôn cập nhật thông tin chuyến bay đến khách hàng qua tin nhắn/email để khách có thể chủ động trong việc sắp xếp hành trình.

Còn Bamboo Airways cam kết luôn tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định liên quan việc mở bán vé, không dồn chuyến, tối ưu hóa nhân lực, vật lực nhằm giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến.

Trong khi đó, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng triển khai một số giải pháp như tăng cường máy soi, trang thiết bị bảo đảm cho khung giờ cao điểm, hạn chế việc khách phải chờ đợi. Chấn chỉnh, yêu cầu các hãng cam kết thực hiện đúng giờ bay theo slot và công bố lịch bay sớm để cảng hỗ trợ chuẩn bị, điều tiết thuận lợi.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có chỉ thị khẩn về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc tại các cảng hàng không trong dịp cao điểm hè năm 2022. Theo đó, các hãng hàng không được yêu cầu phải xây dựng kế hoạch, biện pháp kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất việc chậm chuyến, hủy chuyến vì lý do chủ quan. Thực hiện nghiêm các quy định, điều lệ vận chuyển liên quan nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, hủy chuyến; tiếp nhận, xử lý phản ánh của hành khách về hoạt động vận chuyển của hãng nhanh chóng, kịp thời. 

(Còn tiếp)

 


Triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Hoàn thiện Bộ tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng 2021 - 2025 do Bộ Công Thương ban hành năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức nghiên ...

Thị trường đám mây Việt Nam đang nằm trong tay ai?

Tính theo cơ cấu về doanh thu, xét riêng các nhà cung cấp trong nước, thị trường vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Viettel, VNPT, CMC, FPT… đang nắm giữ hơn 90% thị phần dịch vụ ...

Kiểm kê carbon: Dễ nói khó làm

Kiểm kê khí thải carbon là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh một cách bài bản. Tuy nhiên, ít doanh nghiệp Việt Nam làm được điều tiên quyết này.

Lại rộ lừa đảo mua sắm trực tuyến

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên kênh bán hàng này ngày càng gia tăng, nhất là vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm

Diễn biến bất ngờ của vàng SJC lẫn vàng nhẫn

(NLĐO) – Đến lượt giá vàng trong nước biến động mạnh đối với vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại khi lao dốc mạnh vào hôm nay.

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi ngành bán lẻ

Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giải bài toán vốn được xem là "nỗi đau" của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, khi dữ liệu từ hành vi mua sắm của khách hàng rất nhiều, nhưng thực tế lại rời rạc và ...

Bức tranh khác về ngành ngân hàng qua báo cáo tỷ lệ an toàn vốn

Theo tính toán của các công ty chứng khoán, với các kế hoạch phát hành tăng vốn cổ phần, các ngân hàng có thể cải thiện tỷ lệ CAR thêm từ 1% - 3%, đồng thời cải thiện hạn mức tăng trưởng ...

Việt Nam trở lại danh sách giám sát ngoại hối của Mỹ

Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát sau khi thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu của nước này tăng vọt lên tới 4,7% GDP và thặng dư thương mại hàng hóa song phương với ...