Điểm sáng khởi nghiệp sáng tạo

Điểm sáng khởi nghiệp sáng tạo

Dù xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có phần muộn hơn các địa phương khác nhưng sau 4 năm, Quảng Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và thuộc tốp đầu cả nước

311 views Link gốc

Bằng việc thành lập Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) vào ngày 6-1-2017, tỉnh Quảng Nam chính thức khởi động xây dựng hệ sinh thái KNĐMST hơi muộn, sau 4 địa phương khác tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk. Thế nhưng, với truyền thống vượt khó và duy tân, đến năm 2020, hệ sinh thái KNĐMST Quảng Nam đã định hình và hoàn thành vượt các chỉ tiêu trong giai đoạn 1. Từ năm 2021, Quảng Nam tiếp tục tiến vào giai đoạn tiếp theo với cách làm mới.

Cách làm đặc biệt

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Trưởng Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam - cho biết kế hoạch xây dựng hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn Quảng Nam đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 4396/QĐ-UBND ký ngày 18-12-2017 khá đặc biệt.

Cụ thể, kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở tích hợp tất cả các quyết định, đề án của Chính phủ, bộ, ban, ngành liên quan đến KNĐMST, như đề án hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia, đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ học sinh - sinh viên, thanh niên, nông dân khởi nghiệp… Đây là cách làm hoàn toàn mới và trên cả nước chỉ duy nhất tỉnh Quảng Nam thực hiện. Hệ sinh thái này giúp hỗ trợ, liên kết các start-up (người khởi nghiệp) cùng nhau phát triển, tạo niềm tin cho các start-up dám dấn thân khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Điểm sáng khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng (thứ 2 từ phải qua) tại một gian hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Tới thời điểm này, Quảng Nam cũng là địa phương duy nhất của miền Trung xây dựng, phát triển hệ sinh thái KNĐMST cấp huyện. Đã có 17/18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thành lập CLB, hội KNĐMST. Các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam nhìn nhận với ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh đều có cơ chế hỗ trợ nhưng cái gốc lại nằm ở dưới cơ sở, là nền tảng quyết định sự thành công.

Ở cấp độ khu vực, Quảng Nam là tỉnh khởi xướng và duy trì mạng lưới CLB khởi nghiệp miền Trung - Tây Nguyên nhằm tạo lập hệ sinh thái KNĐMST khu vực phát triển bền vững. Chương trình ký kết đã phát huy hiệu quả tích cực, nhất là phối hợp với các CLB, doanh nghiệp (DN) trong công tác đào tạo, hướng dẫn các dự án khởi nghiệp; xây dựng tinh thần, văn hóa khởi nghiệp… Ngoài ra, Quảng Nam cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các chuyên mục, diễn đàn, cuộc thi trên báo, đài địa phương để giới thiệu, vinh danh các tấm gương khởi nghiệp, lan tỏa tinh thần này đến các tầng lớp nhân dân…

Bứt phá ngoạn mục

Để tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế trên hầu hết các lĩnh vực để các start-up thoải mái lựa chọn. Những cơ chế này được giới thiệu và đăng tải công khai trên các nền tảng internet, mạng xã hội để mọi người dễ biết, dễ tìm kiếm. Nếu ai đủ điều kiện, đáp ứng cơ chế nào thì làm hồ sơ để được hỗ trợ cơ chế đó với thủ tục khá đơn giản. Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là cơ chế của nhà nước mang tính chất hỗ trợ, khuyến khích chứ không phải nhà nước bỏ tiền ra làm hết để phục vụ các dự án start-up.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã thành công trong việc huy động nguồn lực, kết nối với các doanh nhân, DN lớn để hỗ trợ các start-up theo phương thức "xã hội hóa". Hầu hết các diễn đàn, các sự kiện lớn đều có sự tham gia của lực lượng doanh nhân, DN lớn. Từ đó, các start-up được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quản trị kinh doanh, phát triển thương mại sản phẩm, thị trường, marketing… Tỉnh Quảng Nam còn phối hợp với Hội Doanh nhân Quảng Nam ở TP HCM và các tỉnh phía Nam để làm cầu nối tiêu thụ cho các sản phẩm start-up Quảng Nam vào thị trường miền Nam. Đây chính là cơ hội để các start-up liên kết, liên doanh.

Một cách làm được đánh giá cao khác là tỉnh Quảng Nam kết nối với Tập đoàn VN Đà Thành thành lập quỹ hỗ trợ DN Quảng Nam, trị giá 50 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp với hình thức cho vay ưu đãi lãi suất 0%. Trong đợt dịch Covid-19 mới đây, Tập đoàn VN Đà Thành đã giúp 14 dự án vay hỗ trợ lãi suất 0% để xoay xở trong thời điểm khó khăn.

Mô hình "khởi nghiệp tích hợp" đã làm thay đổi bộ mặt khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam. Sau 4 năm, Quảng Nam có một hệ sinh thái KNĐMST lớn mạnh, được các cơ quan như Bộ KH-CN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… đánh giá là địa phương đứng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và thuộc tốp đầu cả nước. Kết thúc năm 2020, Quảng Nam có 61 dự án KNĐMST được UBND tỉnh công nhận, hơn 200 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trong đó nhiều sản phẩm được công nhận 3, 4 sao. Sản phẩm khởi nghiệp của Quảng Nam đa dạng, độc đáo, được người tiêu dùng trên cả nước đánh giá cao, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài. Các dự án KNĐMST của Quảng Nam cũng đạt thành tích cao tại các cuộc thi cấp trung ương.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN, đánh giá: Thời gian qua, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành quả tốt trong xây dựng hệ sinh thái KNĐMST và đã thành công trong việc kết nối với các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong hoạt động này. 

Văn hóa khởi nghiệp đã hình thành

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trong thời gian qua, nhất là 3 năm gần đây, phong trào KNĐMST ở tỉnh Quảng Nam phát triển rất mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tinh thần dấn thân khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi, văn hóa khởi nghiệp được hình thành. Các cấp, các ngành, cộng đồng DN, mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng tham gia đầy tâm huyết. Sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh Quảng Nam đã được các địa phương trên cả nước ghi nhận, đánh giá cao.

TRẦN THƯỜNG - PHÚ HUY


Nhà sáng lập nên làm gì sau khi gọi thành công vòng vốn hạt giống?

Vòng hạt giống thường là vòng vốn đầu tiên nhà sáng lập nhận được kể từ khi gây dựng start-up.

“Khởi nghiệp xanh” với hương liệu đồng quê

Sau những chuyến đi dài, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (sinh năm 1988) đã tìm ra con đường mà mình thực sự đam mê, đó là thảo mộc tự nhiên dành cho mái tóc, làn da. Thương hiệu Dầu gội thủ công ...

Chuyển đổi số giúp nông nghiệp mở thị trường xuất khẩu

Chuyển đổi số để giúp truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm thuận lợi chính là chìa khóa mở ra cánh cửa tiêu thụ, xuất khẩu mặt hàng này.

Nếu phụ nữ đổi mới, thế giới sẽ tốt đẹp hơn

Hưởng ứng Tháng Thanh niên 2023, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, được sự chủ trì của Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Đoàn Thanh niên Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã tổ ...

Startup tìm việc thời vụ của Úc tiến vào thị trường Việt Nam

Trước khi gia nhập thị trường Việt Nam, Weploy đã gọi vốn thành công 5 triệu USD từ Skymind Global Ventures ở vòng gọi vốn đầu tiên chỉ sau 3 tháng đăng ký hoạt động.

Startup Đông Nam Á chung tay giải bài toán năng lượng xanh

Ở Đông Nam Á, đầu tư vào công nghệ khí hậu đang tăng tốc khi một số tập đoàn và quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn vào các startup để phát triển các giải pháp giải quyết các thách thức về môi ...

Startup y tế gọi vốn 25 triệu USD âm thầm tiến vào Việt Nam

Mô hình của WhiteCoat tương tự Jio Health hay Doctor Anywhere, đó là phát triển đồng thời ứng dụng theo dõi, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa, và có thể kết hợp thêm phòng khám truyền thống ...

Khởi nghiệp F&B vẫn "nóng"

Dù bị đánh giá là mảng dễ làm, dễ thất bại nhưng ngành dịch vụ ăn uống (F&B) hiện vẫn thu hút người trẻ khởi nghiệp

Bí quyết quản lý dòng tiền khi mới khởi nghiệp

Vốn đầu tư được coi là oxy với các start-up đang ở giai đoạn chập chững khởi nghiệp. Vì vậy, quản lý dòng tiền cần phải là ưu tiên hàng đầu của mọi nhà sáng lập.