Đào tạo cử nhân thương mại điện tử cần gắn với xu thế chuyển đổi số

DNVN - Trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục, việc đào tạo cử nhân thương mại điện tử (TMĐT) tại các trường đại học vẫn đi theo lối đào tạo cũ, chưa có sự đổi mới cũng như “mạnh dạn” để công tác đào tạo TMĐT đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế số.

129 views Link gốc
Chưa có sự đổi mới
Theo báo cáo đào tạo TMĐT tại các trường đại học 2022 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), trong năm 2021 đã có nhiều trường đại học bắt đầu đào tạo chính quy ngành thương mại điện tử. Nhiều trường đại học trên cả nước dự kiến mở ngành TMĐT trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Một số ngành đào tạo khác liên quan tới TMĐT cũng cho thấy nhu cầu nhân lực tăng nhanh.
Trong khi đó, chiến lược phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số quốc gia là một trong những thách thức không nhỏ đối với xây dựng chương trình đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) tại các trường đại học.
VECOM cho rằng, tuy có những bước tiến lớn nhưng các trường đại học còn nhiều thử thách cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực.
TS. Nguyễn Tiến Mạnh, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hòa Bình khẳng định, việc xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT theo hướng chuyển đổi số tại các trường là rất quan trọng và cấp thiết theo xu thế phát triển của Việt Nam nói chung và của ngành giáo dục và đào tạo nói riêng.
Việc xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT theo hướng chuyển đổi số tại các trường là cấp thiết.
Quyết định số 1563/2016/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 đã nhấn mạnh nội dung về phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT.
 
Quyết định nêu rõ phải “đẩy mạnh đào tạo chính quy về TMĐT, gắn kết hoạt động đào tạo với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng làm nền tảng đối với đào tạo cử nhân ngành TMĐT tại các trường đại học.
TS. Nguyễn Đức Tài - Trưởng khoa TMĐT và KTS, Đại học Đại Nam nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế số hiện nay, một số trường đào tạo TMĐT nhưng vẫn đi theo lối đào tạo cũ mà chưa có sự đổi mới cũng như sự “mạnh dạn” để công tác đào tạo TMĐT đi đúng theo bản chất của nó. Đa số các trường đều tiếp cận đào tạo theo cách truyền thống. Nghĩa là đào tạo một cách tổng quan, bài bản theo hướng học thuật rất căn bản để người học có được chuyên môn căn bản về TMĐT nhưng cũng có thể làm được rất nhiều các công việc khác nhau.
Ví dụ như các công việc quản trị doanh nghiệp hay thậm chí là kinh doanh thương mại, marketing, digital marketing... Phương pháp này sẽ thành công với những cơ sở đào tạo có nguồn lực lớn và chủ yếu là trường công. Trường ngoài công lập khó có thể thành công theo phương pháp trên.
Các trường tư (ngoài công lập) thì tiếp cận dưới góc độ thực dụng hơn, nghĩa là cử nhân thực hành ứng dụng chứ không phải cử nhân nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng hiếm có cơ sở đào tạo có phương pháp đào tạo đặc thù, đó là, "đào tạo ngược”. Nghĩa là đào tạo một số môn chuyên ngành ngay từ năm nhất. Các học phần bắt buộc hoặc cơ sở ngành có thể chuyển sang kế hoạch đào tạo của năm 2, năm 3 hoặc năm cuối để hoàn thành đủ các tín chỉ theo yêu cầu chương trình đào tạo.
Cần hoạch định chiến lược phù hợp với kỷ nguyên số
Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo TMĐT tại Đại học Đại Nam, TS. Nguyễn Đức Tài cho biết, Khoa TMĐT & Kinh tế số đang triển khai đào tạo TMĐT và chuyên ngành kinh tế số đi theo chương trình đào tạo và phương pháp sáng tạo và cập nhật. Các học phần chuyên ngành về cơ bản là các chức danh nghề nghiệp, công việc thực tế tại doanh nghiệp theo nhu cầu của thị trường lao động.
Điều này thể hiện rõ nét trong chương trình đào tạo của khoa. Các học phần trong chương trình đào tạo được áp dụng sau khi khảo sát ý kiến từ người học, doanh nghiệp và các chuyên gia chuyên ngành về TMĐT. Tất cả đều cho thấy sự khả quan và hướng đến giúp người học có sự lựa chọn đúng đắn khi làm việc và phát triển bản thân.
Theo TS. Nguyễn Đức Tài, phương pháp đào tạo TMĐT cần phải gắn với xu thế chuyển đổi số trong nền kinh tế số. Bởi lẽ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra xu hướng chuyển đổi số, mang lại khả năng bứt phá cho nền kinh tế. Nhiều công nghệ đột phá dựa trên nền tảng số hóa, tích hợp với các công nghệ thông minh tự động hóa kinh doanh. Nổi bật là kinh tế số với trí tuệ nhân tạo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo, kinh tế truyền thông số... với những chuyển biến lớn. Trong đó, TMĐT được xem là mũi nhọn và trụ cột của nền kinh tế số.
Với tư duy đào tạo nâng cao khả năng sáng tạo, người học không chỉ nhận ra sự phát triển của TMĐT và còn có hướng phát triển nó dựa trên không gian kinh tế số, chuyển đổi số. Từ đó phát huy sự sáng tạo cũng như sự đổi mới về ngành học.
Do vậy, phương pháp đào tạo cần được xây dựng và thực thi theo hướng ứng dụng với việc tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng ngoại ngữ, góp phần chuẩn đầu ra nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, bám sát thực tế.
Từ đó, người học sớm được thực chiến tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật những kiến thức khoa học – công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đáp ứng với xu hướng phát triển không ngừng của TMĐT và kinh tế số trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Trong khi đó, TS. Phùng Tuấn Anh - Khoa Kinh tế và Quản lý (Đại học Thủy lợi) khuyến nghị, cần có văn hóa hoạch định chiến lược phù hợp với kỷ nguyên số ở cấp trường đại học để phát triển chương trình TMĐT. Việc xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo TMĐT cần song hành với các chiến lược liên quan, bao gồm cả kế hoạch công nghệ thông tin và kế hoạch triển khai các ngành học có liên quan gần để cùng bổ trợ trong hoạt động giảng dạy.
Cần có phương pháp đào tạo thế hệ sinh viên tinh thần chủ động hơn nữa trong sự biến đổi ngày càng nhanh chóng của khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số. Thực hiện những nghiên cứu khảo sát mang tính toàn diện hơn nữa về hoạt động giáo dục đào tạo TMĐT để từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực hơn nữa cho việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế số trong tương lai.


Chuyển đổi số, giảm tiếp xúc doanh nghiệp, khôi phục kênh dẫn vốn bền vững

Năm 2024, bên cạnh việc tiếp tục có nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính sẽ chuyển đổi số mạnh mẽ trên 3 phương diện là ...

Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đề xuất hướng đi cho chuyển đổi số

DNVN - Các công ty thuộc Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) rất tích cực trong đổi mới công nghệ. Hiệp hội này đã đề xuất một số chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi ...

Thị trường đám mây Việt Nam đang nằm trong tay ai?

Tính theo cơ cấu về doanh thu, xét riêng các nhà cung cấp trong nước, thị trường vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Viettel, VNPT, CMC, FPT… đang nắm giữ hơn 90% thị phần dịch vụ ...

Kiến nghị có cơ chế bảo hộ cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ

DNVN - Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là rủi ro về phòng vệ thương mại và phương ...

Khai thác dữ liệu số để tạo giá trị

DNVN - Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm 2023 với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là “Tạo lập và khai thác dữ liêu số để tạo ra giá trị”.

Điện lực miền Trung đẩy mạnh chuyển đổi số

DNVN - Bà Lê Thị Phương Cẩm – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, Tổng công ty đang tích cực triển khai Đề án hiện đại hóa công tác xây dựng phần mềm và áp ...

Doanh nghiệp tham gia kinh tế tuần hoàn được ưu đãi gì?

Theo dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp tham gia vào cơ chế thử nghiệm có thể nhận được nhiều ưu đãi về chuyển giao công nghệ, tiếp cận vốn ...

Cần chính sách đủ mạnh với ngành công nghiệp hỗ trợ để đón “đại bàng”

DNVN - Để đón dòng dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có chính sách đủ mạnh với ngành công nghiệp hỗ trợ, trợ lực nhiều hơn nữa để doanh nghiệp có thể thích ứng được với ...

“Nóng” cuộc đua thanh toán số

Thanh toán số được biết đến là cuộc đua giữa ngân hàng số, ví điện tử, mã QR và Mobile Money. Mới đây, thị trường đã có thêm những người chơi mới.