Bảo tồn gắn với phát triển cây dược liệu thành hàng hóa

Trên cơ sở xác định lợi thế, tiềm năng của địa phương, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển cây dược liệu thành cây hàng hóa. Việc làm này như một mũi tên giúp “thủ phủ” của cây cà phê và cao su trúng nhiều đích. Đó là vừa bảo tồn và phát triển bền vững loài cây dược liệu quý, vừa chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

316 views Link gốc
Vườn trồng cây đương quy tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: B.X

Nguồn thuốc quý có nguy cơ cạn kiệt

Vùng rừng núi Gia Lai được đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, quý hiếm, bởi có thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi. Theo thống kê, tỉnh Gia Lai có khoảng 573 loại dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Bum xì xe, lan kim tuyến, nấm linh chi, nấm ngọc cẩu, sa nhân, ba kích, đẳng sâm, đương quy, cam thảo dây, địa liền, hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì, kim tiền thảo, nga truật... mọc hoang dại trong rừng khá nhiều. Trong đó, có rất nhiều thảo dược quý có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh hiểm nghèo, tăng cường sức đề kháng và nhiều loại dược liệu chính được sử dụng rộng rãi có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, việc khai thác tận diệt, kéo dài cùng với các tác động khác đã làm cho nguồn dược liệu vốn trước đây phong phú, đến nay bị suy giảm, nhất là đối với các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, sử dụng phổ biến như ba kích, tam thất, đẳng sâm, mật nhân, đinh lăng, đương quy, sâm đá ngày một khan hiếm. Nghiêm trọng hơn là một số cây thuốc vốn được coi là quý hiếm, do bị tìm kiếm không ngừng đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt như lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa...

Trong khi đó, cây dược liệu nuôi trồng chưa được chú trọng mà phát triển tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chưa được quan tâm. Các địa phương chưa chú trọng đến bảo tồn, phát triển, vấn đề về chất lượng dược liệu và xây dựng, quảng bá thương hiệu còn hạn chế. Chính vì thế mà Gia Lai chưa thể khai thác hết tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển cây dược liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà lại đối mặt với sự cạn kiệt các nguồn giống thuốc quý hiếm.

Diện tích trồng dược liệu còn khiêm tốn

Hiện, tỉnh Gia Lai có khoảng 985ha dược liệu, tập trung, phân bố chủ yếu tại huyện Kbang, Đắk Đoa, Chư Sê và Chư Prông. Trong đó, diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng khoảng 260ha, trồng trên đất nông nghiệp khoảng 724ha. Phần lớn diện tích dược liệu thuộc sở hữu của các hộ gia đình với khoảng 805ha, còn lại 180ha là của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thực tế, nhờ trồng dược liệu, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao. Theo tính toán, 1ha cây sa nhân có thể cho thu nhập 60 triệu đồng một năm, cây cà gai leo cho thu nhập 30 triệu/ha/vụ (một năm cho thu 3 vụ). Do đó, việc phát triển sản xuất cây dược liệu được xác định là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới.

Điểm nhấn đáng khích lệ trong phát triển sản xuất cây dược liệu tại Gia Lai thời gian gần đây là đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP). Điển hình là Công ty cổ phần Đông Nam dược Gia Lai đã đầu tư liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu khoảng hơn 24ha tại 7 huyện, thị xã thuộc tỉnh Gia Lai. Công ty cũng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu tại khu công nghiệp Trà Đa thành phố Pleiku với công suất 500 nghìn viên thực phẩm chức năng một năm và 500 tấn cao dược liệu một năm.

Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh đã đầu tư liên kết khoảng hơn 30ha dược liệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân tại các huyện Kbang, Ia Grai, Chư Păh, thị xã Ayun Pa và thành phố Pleiku. Công ty này đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu thực phẩm Trường Sinh tại khu công nghiệp Trà Đa. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chế biến dược liệu, có sản phẩm dịch liệu được chứng nhận là sản phẩm OCOP.

Cần 5.200 tỉ đồng để bảo tồn và phát triển cây dược liệu

Nhìn nhận vào thực tế hiện nay, có thể thấy, tiềm năng phát triển cây dược liệu của Gia Lai vẫn chưa thật sự được đánh thức. Hiện, việc trồng dược liệu còn manh mún, quy mô hộ gia đình là chủ yếu, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa thu mua, sơ chế, chế biến trong sản xuất và tiêu thụ. Công tác tổ chức quản lý, khai thác, bảo tồn và phát triển dược liệu còn nhiều bất cập.

Để tận dụng tiềm năng, cơ hội thị trường, khai thác sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn dược liệu, góp phần nâng cao cho thu nhập cho người dân, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, địa phương này lập mục tiêu tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa. Từng bước phát triển ngành dược liệu theo hướng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Mục tiêu là đến năm 2030 phát triển diện tích cây dược liệu của tỉnh Gia Lai đạt khoảng 20.000ha; bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu bản địa, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng; hình thành Trung tâm bảo tồn tri thức y học cổ truyền và nguồn gen cây thuốc quý của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên; khai thác bền vững các loại dược liệu trong tự nhiên.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Gia Lai cho biết, sẽ cần nguồn vốn khoảng 5.200 tỉ đồng. Trước hết, UBND tỉnh Gia Lai sẽ rà soát, xác định, xây dựng chi tiết vùng sản xuất thâm canh tập trung cho từng loại dược liệu gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Xây dựng nhãn hiệu, địa điểm chỉ dẫn địa lý, và cấp mã số vùng trồng dược liệu. Thúc đẩy đưa nhanh sản phẩm dược liệu Gia Lai vào các siêu thị trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Thu Hằng



Doanh thu đầu tư nước ngoài của Viettel cán mốc 1 tỷ USD

Mức tăng trưởng của Viettel Global đến từ cả 2 thị trường chủ chốt là châu Phi và Đông Nam Á khi doanh thu từ cả 2 địa bàn này đều tăng trưởng mạnh và vượt mức 10.000 tỷ đồng.

Sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với nâng cao đời sống cán bộ, công chức

HNP - Chiều 28/3, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Thành phố tổ chức Hội nghị lần thứ 7, nhiệm kỳ 2020-2025 để xem xét, đánh giá kết quả công tác Quý I, triển khai nhiệm vụ ...

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội: 50 năm trưởng thành và phát triển

HNP - Sáng 28/3, tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (28/3/1973-28/3/2023). Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên ...

Áp dụng cách tính thuế GTGT mới khi chuyển nhượng bất động sản

Thông tư 13 là một trong những chính sách giúp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Marketing sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững

Lồng ghép giới, thực hành CSV, CSR là những xu thế marketing mới, giúp doanh nghiệp vừa nâng cao thương hiệu, tiếp cận khách hàng tốt hơn, vừa khuyến khích nhân rộng những giá trị bền vững tới ...

Đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo.

Khi nào nhà sáng lập nên từ bỏ start-up của mình?

Nhiều người thành công vì đã cố gắng hết sức cho start-up của mình, nhưng cũng không ít người thành công vì biết dừng lại đúng lúc.

Đầu tư xi măng vẫn còn sức hút

Dự án xi măng công suất 10 triệu tấn của Tập đoàn Xuân Thiện là dự án mới nhất, cũng là “khủng” nhất được tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư. Cùng với đó, một dự án 2,3 ...

Đẩy nhanh đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối EFTA

FTA giữa Việt Nam và khối EFTA (FTA Việt Nam - EFTA), gồm 4 nước Iceland, Lichestein, Na Uy, và Thụy Sỹ đang được đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm đi đến ký kết.